Nhắc đến huyện Krongpa của tỉnh Gia Lai, những người sành ẩm thực, khách du lịch ưa thích khám phá, đặc biệt là dân nhậu sẽ nhớ ngay đến đặc sản rất thơm ngon, bò một nắng chấm với gia vị muối kiến vàng. Một món ăn trứ danh làm nên tên tuổi của vùng đất này.
Ngoài KrongPa thì bò một nắng cũng cũng là đặc sản vùng cao nguyên Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên. Đều có nguồn gốc từ món nai một nắng của người đồng bào dân tộc, còn bò một nắng là do người Kinh đã cải tiến ra sau khi thưởng thức nai một nắng. Theo bà Đinh Thị Hậu, người đầu tiên khai sinh và cũng là chủ thương hiệu bò một nắng Tuấn Hậu ở thị trấn Phú Túc thì món này được bà làm từ những năm 1995 – 1996.
Sở dĩ bò một nắng ở đây khác biệt, có vị ngon, ngọt, dai dai mềm mềm do được làm từ những chú bò cỏ bản địa, được chăn thả trên đồi núi, ăn cỏ cây và uống nước suối rừng. Nên chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon và đặc biệt là sạch an toàn vì bò chủ yếu ăn thức ăn tự nhiên.
Đặc biệt hơn, KrongPa có khí hậu nắng nóng vô cùng khắc nghiệt, được ví như “chảo lửa” tỉnh Gia Lai, bò phơi dưới cái nắng Krongpa sẽ nhanh khô và đảm bảo độ ngon nhất.
Những ngày đầu tiên chỉ có vài người làm, theo tìm hiểu thì 2 cơ sở sản xuất sớm nhất là Tuấn Hậu và Mười Đức. 2 thương hiệu đó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay.
Muối kiến vàng có vị chua chua và rất thơm
Sau hơn 20 năm, bò một nắng đã vang danh khắp mọi miền, ngoài hai cơ sở trên thì có một số cơ sở mới ra đời như Nhân Giao, Nguyệt Viên… cũng đã chinh phục được người tiêu dùng bởi uy tín, chất lượng.
Bò phải được làm từ thịt đùi hoặc vai thì mới ngon nhất, sau đó rửa sạch bằng rượu, lọc hết gân mỡ, thái từng miếng bằng bàn tay dày cỡ 2-3cm thì ướp bằng các loại gia vị quen thuộc như sả, ớt, muối, bột ngọt, vừng… mang đi phơi qua một nắng từ 7-8 tiếng. Đến chiều thịt bò săn khô lại, đóng gói thành từng trọng lượng 0,5kg hoặc 01kg, đưa vào bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh.
Theo cách này, sản phẩm có thể bảo quản được 6 tháng mà mùi vị và chất lượng vẫn đảm bảo được độ ngon ngọt của bò.
Khi thưởng thức, người tiêu dùng phải rã đông rồi nướng trên bếp than hồng hoặc cho vào lò nướng. Chú ý nướng trên lửa than nhỏ để không bị cháy bên ngoài, tầm 10 phút thịt bò đã bốc mùi thơm ngào ngạt thì lúc đó bò đã chín. Sau đó lấy đập dập sẽ bung theo từng thớ thịt. Xé nhỏ thưởng thức với gia vị muối kiến vàng.
Với các gia đình ở thành phố, nhất là các khu chung cư không có bếp than hoặc lò nướng. Có thể nướng bằng cồn cũng rất ngon. Cách mà người ta thường làm đổ cồn đổ trực tiếp lên bò rồi nướng.
Muối kiến vàng, đây là một gia vị vô cùng độc đáo, không chỉ có vị chua chua tự nhiên mà còn thơm, làm nổi bật vị bò cỏ. Kiến vàng được người đồng bào vào tận rừng sâu để bắt về làm sạch, rang lên rồi trộn với muối, ớt, bột ngọt, lá then len để làm gia vị. Kiến vàng có nhiều dinh dưỡng như đạm, axit amin rất tốt cho sức khỏe. Một số người ăn muối kiến để chữa một số bệnh.
Nhờ vị trí địa lý, khí hậu đặc trưng và sở hữu giống bò cỏ thơm ngon. Nên bò một nắng đã giúp tiếng tăm của vùng đất này vang xa hơn, góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Chính quyền huyện và UBND Tỉnh Gia Lai cũng đã tích cực tạo điều kiện hỗ trợ bà con phát triển, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, đăng ký bảo hộ thương hiệu giúp sản phẩm có được chỗ đứng vững trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước.